Cổ phiếu OIL: BÁN@9,000 Hoạt động kinh doanh chưa có dấu hiệu hồi phục mặc dù giá dầu hiện đã quay lại mức trên $50/thùng. Chúng tôi duy trì đánh giá về hiệu quả hoạt động của OIL ở mức thấp. Giá cổ phiếu hiện đang ở vùng đỉnh cao nhất năm 2020 và mức tăng này không tương xứng với kết quả kinh doanh của công ty.
Cổ phiếu SVC: BÁN@71,500 Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu mua xe giảm khiến doanh thu và lợi nhuận công ty giảm tương ứng. Những tháng cuối năm, nhu cầu dần phục hồi song dòng xe Ford chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của SVC lại không được hưởng ưu đãi thuế trước bạ. Định giá hiện tại ở mức cao với P/E 26.1, cổ phiếu thanh khoản thấp.
Cổ phiếu GAB: BÁN@193,400 Lũy kế 9 tháng đầu năm mặc dù doanh thu tăng trưởng 80% tuy nhiên do giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 93% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận mỏng (biên LN gộp ~ 3%, biên lợi nhuận ròng ~1%). Cổ phiếu được định giá ở mức rất cao (P/E~648).
Cổ phiếu BSR: CHỜ MUA Kết quả kinh doanh quý 4/2020 và triển vọng 2021 được kỳ vọng hồi phục sau khi Nhà máy hoàn thành đợt bảo dưỡng cuối quý 3. Giá dầu cũng đã về lại mức $50/thùng và cracking – spread (chênh lệch giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm) cũng đã ổn định sẽ giúp biên lợi nhuận BSR ít bị biến động mạnh như giai đoạn trước. Kinh tế Việt Nam hồi phục tốt giúp đảm bảo sản lượng đầu ra cho công ty. Giá cổ phiếu đang được định giá dưới giá trị sổ sách với P/B ~0.9x.
Cổ phiếu SBT: CHỜ MUA Mặc dù hiệp định ATIGA có hiệu lực từ 01/01/2020 gây áp lực cho nhiều doanh nghiệp khác trong ngành đường, SBT vẫn tăng trưởng tốt trong 9T2020. Doanh thu của SBT tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện lên mức 13% trong Q3/2020 so với 8% trong Q3/2019. Tuy nhiên, P/E hiện đang ở mức cao 28.4 lần trong khi trung bình ngành chỉ 11.5 lần.
Cổ phiếu IMP: CHỜ BÁN Doanh thu và lợi nhuận T11/2020 tăng lần lượt 6% và 18% so với cùng kỳ 2019 nhờ vào việc tái cơ cấu sản phẩm chủ lực sang nhóm dược liệu cao cấp, tập trung chính vào kênh bán hàng bệnh viện và kiểm soát tương đối hiệu quả chi phí hoạt động. Trong trung hạn, tiềm năng tăng trưởng cao nhờ vào việc vận hành các nhà máy GMP từ năm 2020. Doanh nghiệp có cấu trúc vốn lành mạnh. Tuy nhiên, so với khuyến nghị gần nhất tại ngày 20/10/2020, cổ phiếu đã tăng khoảng 22%, nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời.
Cổ phiếu SHS: CHỜ BÁN Kết quả kinh doanh 9T/2020 ghi nhận doanh thu 1,121 tỷ đồng, tăng 33% YoY và lợi nhuận sau thuế 406 tỷ đồng, tăng 85% YoY chủ yếu nhờ ghi nhận lãi từ khoản đầu tư vào SHB (ngân hàng có cùng cổ đông lớn là tập đoàn T&T và đang có kế hoạch chuyển sàn niêm yết trong năm nay). Tuy nhiên, tài sản của SHS vẫn treo một số khoản phải thu lớn không rõ bản chất 3,300 tỷ đồng (~47% tổng tài sản) và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm ~1,600 tỷ đồng.
Cổ phiếu GMC: CHỜ BÁN Kết quả kinh doanh 9T/2020 kém với doanh thu và lợi nhuận ròng giảm lần lượt 17% và 84% do ảnh hưởng dịch bệnh đến nhu cầu may mặc thế giới. Tỷ suất sinh lời thấp so với các công ty trong ngành do GMC đặt nhà máy tại vùng I có mức lương nhân công cao. GMC có kế hoạch di dời nhà máy trong dài hạn sang các vùng khác để tối ưu hóa chi phí nhân công nhưng bị gián đoạn do tình hình kinh doanh khó khăn.
Cổ phiếu VDS: CHỜ BÁN Công ty có quy mô nhỏ trong ngành chứng khoán. Kết quả kinh doanh 9T/2020 ghi nhận doanh thu 251 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng (+47%YoY) chủ yếu nhờ tự doanh cổ phiếu DIG và BSR. Dòng tiền từ HĐKD âm.
Cổ phiếu DPM: CHỜ BÁN Giá dầu hồi phục 25% từ cuối tháng 10 lên hơn 50 USD có ảnh hưởng tiêu cực tới biên lợi nhuận gộp của công ty. Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2020 đạt 5,832 tỷ đồng tăng trưởng 9% nhờ nhu cầu tiêu thụ phân Ure tăng. Lợi nhuận sau thuế đạt 597 tỷ đồng tăng gầp 4 lần cùng kỳ 2019 và vượt 42% kế hoạch cả năm do giá nguyên vật liệu đầu vào (neo theo giá dầu thế giới) thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.