1️⃣ Tin vĩ mô thế giới
• WHO sơ kết tiến độ tiêm phòng vắcxin COVID-19 trên thế giới
– Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/1 cho biết đến nay đã có khoảng 28 triệu liều vắcxin phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được tiêm chủng cho người dân trên thế giới, trong đó phần lớn ở những nước giàu có nhất. Theo Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO – ông Michael Ryan, khoảng 46 nước trên thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, trong đó 38 nước là những quốc gia có thu nhập cao.
– Phát biểu trong một sự kiện truyền thông của WHO được phát sóng trực tuyến, ông Ryan nêu rõ: “Tính đến thời điểm này, có khoảng 28 triệu liều vắcxin đã được sử dụng. Có 5 loại vắcxin hoặc các nền tảng nghiên cứu đã được ứng dụng. Khoảng 46 quốc gia đang triển khai chiến dịch tiêm chủng, nhưng trong số đó chỉ có một quốc gia là nước có thu nhập thấp. Có nhiều người muốn có và cần có vắcxin nhưng không thể nhận được nếu chúng ta không bắt đầu chia sẻ theo cách tốt hơn”. Ông Ryan cảnh báo về “một năm khó khăn hơn” trong bối cảnh xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được nhận định là có khả năng lây lan nhanh hơn chủng virus gốc.
– Hiện Mỹ là quốc gia có nhiều người dân đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 nhất thế giới. Tuy nhiên, số người đã được tiêm phòng vẫn ít hơn nhiều so với mục tiêu nhà chức trách nước này đặt ra là đến cuối tháng 12/2020 tiêm phòng cho 20 triệu người. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết mới chỉ có khoảng 3,1% trong tổng dân số khoảng 330 triệu người ở Mỹ được tiêm phòng mũi đầu tiên và vắcxin này chưa được sử dụng cho trẻ em.Xét tỷ lệ dân số đã được tiêm chủng, Israel đang dẫn đầu thế giới, tiếp đó lần lượt là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Anh và Mỹ.
• Thâm hụt ngân sách Mỹ cao kỷ lục trong quý đầu tài khóa 2021
– Phát biểu với báo giới, một quan chức cấp cao tại Bộ Tài chính Mỹ cho hay trong quý IV/2020, ngân sách chính phủ Mỹ bội chi 213 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước đó, đưa thâm hụt ngân sách lên 573 tỷ USD – mức cao kỷ lục tính theo quý. Trước đó, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2020 đã tăng hơn 200% lên 3.100 tỷ USD, cũng là mức cao chưa từng thấy và cao hơn gấp đôi so với mức kỷ lục ghi nhận trước đó. Tổng chi ngân sách trong năm 2020 tăng chủ yếu liên quan các chương trình hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trong số đó có chương trình hỗ trợ theo Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD, được quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 3 năm ngoái.
– Theo số liệu thống kê, chi tiêu của Bộ Lao động Mỹ trong quý IV/2020 đã tăng lên 80 tỷ USD do các chương trình trợ cấp thất nghiệp, so với mức 5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.Trong khi đó, các chương trình phân phát thực phẩm cho người nghèo cũng khiến Bộ Nông nghiệp bội chi 19 tỷ USD. Cùng ngày, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố báo cáo cho thấy một số lĩnh vực của kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi hứa hẹn, song bức tranh toàn cảnh nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đan xen nhiều mảng sáng, tối do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
– Trong báo cáo Beige Book khảo sát các điều kiện kinh tế, Fed cho biết phần lớn trong số 12 khu vực của Mỹ báo cáo hoạt động kinh tế tăng trưởng, song ở mức “vừa phải”, và tỷ lệ tham gia lao động tăng – dù chậm.Trong khi đó, doanh số nhà ở vẫn tăng mạnh và hoạt động sản xuất duy trì đà đi lên.Kinh tế Mỹ đã suy giảm ở mức kỷ lục 31,4% trong quý II/2020 do tác động của dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa.Hoạt động kinh tế đã phục hồi sau đó khi các doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động kinh doanh thích ứng với tình hình mới và tỷ lệ lây lan dịch Covid-19 được kiểm soát.Tuy nhiên, đà phục hồi trở nên chậm lại vào mùa thu khi số ca mắc Covid-19 tăng cao trở lại.
2️⃣ Tin tức Việt Nam
• Tiền rẻ vẫn ào ạt chảy vào ngân hàng
– Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cho hay, năm 2020, dù nhiều kênh đầu tư nóng lên ngôi, song tiền vào ngân hàng vẫn tăng rất mạnh. Theo ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, tổng huy động vốn trên thị trường 1 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2019. Đáng lưu ý, trong cơ cấu tiền gửi của Vietcombank, vốn rẻ ngày càng lớn. Tính đến cuối năm 2020, tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn cuối kỳ đạt xấp xỉ 32%, tăng mạnh so với năm 2019. Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, đây là ngân hàng duy nhất tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động vốn.
– Trong khi đó, với VietinBank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT cho hay, năm 2020, dư nợ tín dụng của ngân hàng này tăng 7,7%, trong khi huy động vốn tăng tới 11%. Vốn huy động không kỳ hạn (CASA) tăng 15,5% so với năm 2019, tỷ trọng vốn rẻ trong tổng huy động vốn cũng cải thiện. Tại một số ngân hàng thương mại cổ phần, tuy huy động vốn tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn, song dấu hiệu “dư tiền” khá rõ khi chỉ số LDR (cho vay/huy động) liên tục sụt giảm. Dư tiền, các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, thay vì tăng lãi suất để thu hút tiền gửi. Năm 2020, rất nhiều ngân hàng mạnh tay đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như VPBank, Techcombank, MB, TPBank, SHB…
– Lợi thế vốn rẻ đang mở ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng trong năm 2021. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần kỳ vọng, năm 2021, các chính sách kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ kích thích nhu cầu vay vốn tăng trở lại. Chính vì vậy, cùng với chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận khả quan, ngành ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lạc quan về lợi nhuận. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, năm 2021, NIM của các ngân hàng sẽ không cải thiện nhiều do lãi suất huy động đã chạm đáy, các ngân hàng trước sức ép của Chính phủ và dư luận có thể sẽ phải giảm thêm lãi suất cho vay. Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mặt bằng lãi suất huy động thấp kỷ lục như hiện nay là cơ hội để ngân hàng giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, chứ không phải để ngân hàng hưởng biên lợi nhuận cao.
• SCIC muốn chuyển mô hình thành Quỹ Đầu tư Chính phủ
– Năm 2021, SCIC đang xây dựng kế hoạch kinh doanh và trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phê duyệt. Tổng công ty đang báo cáo Thủ tướng, xem xét phê duyệt chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035 và xây dựng báo cáo đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC sang Quỹ Đầu tư Chính phủ. Theo ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC, Quỹ Đầu tư Chính phủ là mô hình tiên tiến, thành công trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, mô hình này còn một số vướng mắc về luật, về cách thức sử dụng vốn Nhà nước, tiến trình phê duyệt đầu tư…, vì vậy cần có những cơ chế đặc thù để hoạt động.
– Một trong những nhiệm vụ trước mắt của SCIC là thay mặt Nhà nước, đầu tư vào Vietnam Airlines. Ông Thành cho biết về khuôn khổ, thể chế đã có, nghị quyết Chính phủ giao cho tổng công ty thực hiện. Trước mắt, Vietnam Airlines sẽ xây dựng phương án phát hành. Giá chào bán sẽ là vấn đề quan trọng nhất cần được quyết định và cần sự tham gia của các bên thẩm định giá.
– Định giá Vietnam Airlines cần có kế hoạch 5 năm của doanh nghiệp. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, Vietnam Airlines cần xây dựng, tính toán kỹ lưỡng trước những yếu tố bất định. “Một trong những ẩn số lớn nhất là vấn đề bay quốc tế”, ông Thành nói. Mọi quyết định đầu tư cần phải tuân thủ quy định, đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước.
• Năm 2020 doanh nghiệp vay kỷ lục hơn 403.000 tỷ qua trái phiếu
– Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên HNX trong tháng 12 và số liệu 12 tháng. Theo đó, trong tháng 12, các doanh nghiệp đã huy động thành công hơn 34.470 tỷ đồng, đạt chưa đến một nửa giá trị trái phiếu đem chào bán trong tháng 12. Trong đó, các ngân hàng đã huy động 19.003 tỷ đồng VNĐ trái phiếu trên thị trường nội địa và 160 triệu USD trên thị trường quốc tế (HDBank). Các doanh nghiệp bất động sản huy động 2.027 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành xây dựng và sản xuất huy động lần lượt 1.508 tỷ đồng và 1.304,6 tỷ đồng. Bất động sản, xây dựng và các tổ chức tín dụng huy động trái phiếu kỳ hạn dài, bình quân trên 4 năm. Nhóm ngân hàng liên tiếp trở thành nhà phát hành trái phiếu lớn nhất kể từ tháng 4/2020.
– Luỹ kế 12 tháng, các tổ chức đã huy động gần 403.469 tỷ đồng trên thị trường nội địa và 345 triệu USD trên thị trường quốc tế. Với số liệu này, năm 2020, giá trị trái phiếu đã huy động thành công cao hơn năm 2019 đến 36%, tỷ lệ huy động thành công/lượng chào bán đạt 69,1%, cao hơn năm 2019 (đạt 67%). Đối với phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, các tổ chức đã có 4 đợt huy động trái phiếu từ quý 3/2020. Trong đó, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã huy động được 80 triệu USD trong tháng 10, HDBank huy động 30 triệu USD trong tháng 11 và 160 triệu USD trong tháng 12; một tổ chức khác đã huy động được 75 triệu USD.
3️⃣ Các kênh đầu tư
• VFS: Định giá của VN-Index vẫn tương đối hấp dẫn
– Công ty chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho hay định giá của VN-Index vẫn tương đối hấp dẫn. P/E vùng đỉnh thời điểm tháng 4/2018 ở mức 21-22 lần, vẫn cao hơn mức hiện tại. Cùng với đó, mặc dù tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp niêm yết sàn HoSE ở mức trên 15%, cao hơn so với khu vực nhưng định giá P/E lại thấp hơn. P/E của Malaysia hiện ở mức khoảng 32 lần, Lào 33 lần, Thái Lan 25 lần.
– VFS cho rằng nhiều yếu tố đang hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam, đầu tiên phải kể đến triển vọng kinh tế phục hồi nhờ vắc xin. Vắc xin dự kiến sẽ được phân phối trong năm nay, GDP Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5%. Thêm vào đó, uy tín của Việt Nam đang lên cao, nền kinh tế đang hội nhập sâu hơn với triển vọng tươi sáng từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEP, CPTPP. Đặc biệt, dòng tiền nội, nhất là từ các nhà đầu tư cá nhân “F0”, được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ thị trường chứng khoán nhờ môi trường lãi suất thấp. Điều này cộng hưởng với việc đồng USD suy yếu có thể kích thích dòng tiền ngoại chảy vào các thị trường mới nổi, cận biên, trong đó có Việt Nam.
– Ngoài ra, tín hiệu tích cực từ chính sách như việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi hay kỳ vọng vào lộ trình nâng cấp hệ thống, triển khai giao dịch trong ngày, thay đổi về tỷ lệ ký quỹ… cũng sẽ tạo xung lực cho thị trường đi lên. VFS dự báo 2021 sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index sẽ tăng khoảng 14%, thanh khoản tiếp tục tăng 30%. Dù vậy, tốc độ tăng sẽ kém hơn năm 2020 do triển vọng phục hồi kinh tế đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu. Mặc dù được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực nhưng vẫn còn đó những rủi ro đáng lưu ý. Theo VFS, Covid-19 và biến chủng của vi rút sẽ tiếp tục là rào cản lớn cho kinh tế thế giới chừng nào vắc xin chưa được phân phối rộng rãi. Cùng với đó, chỉ số P/E hiện tại không phải là rẻ, đồng nghĩa các nhịp rung lắc mạnh sẽ xảy ra thường xuyên hơn.