1️⃣ Tin tức vĩ mô thế giới
• MSCI loại nhiều cổ phiếu Trung Quốc dưới áp lực của Mỹ
– MSCI, công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp các chỉ số chứng khoán, rủi ro danh mục đầu tư, phân tích hiệu suất và các công cụ quản trị cho các nhà đầu tư tổ chức và các quĩ phòng hộ, vừa chính thức thông báo loại 10 doanh nghiệp Trung Quốc khỏi rổ chỉ số của mình và chúng sẽ có hiệu lực vào ngày 5/1/2021.
– Việc xóa bỏ này diễn ra theo lệnh mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ngày 12/11 trong đó cấm các công ty và cá nhân Mỹ sở hữu cổ phần của các công ty Trung Quốc bị Nhà Trắng đưa vào danh sách bị thao túng bởi quân đội Trung Quốc.
– 7 công ty mà MSCI có kế hoạch xóa khỏi rổ chỉ số đầu tư toàn cầu có 2 cái tên khá nổi tiếng là nhà sản xuất chip SMIC, công ty sản xuất thiết bị giám sát video Hikvison. Việc này đã gây ra những tác động lớn với giá cổ phiếu các công ty Trung Quốc.
– Trước đó, các chỉ số S&P Dow Jones và FTSE Russell cũng thông báo việc loại các cổ phiếu Trung Quốc. Ứng dụng giao dịch Robinhood có trụ sở ở Mỹ cũng đã cập nhật trang web của mình để nói rằng người dùng không thể giao dịch các cổ phiếu Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm của Chính quyền.
• Australia khiếu nại Trung Quốc lên WTO
– Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham hôm nay cho biết quan chức Australia đã thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các đối tác ở Bắc Kinh rằng họ sẽ bắt đầu cuộc điều tra về thuế quan đã xóa sổ thương mại lúa mạch giữa Australia với Trung Quốc. Theo ông Birmingham, khoản thuế bổ sung 80% Trung Quốc áp đặt đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia là “thiếu cơ sở” và “không được củng cố bởi các sự kiện và bằng chứng”. Bộ trưởng Thương mại Australia đồng thời cho biết thêm rằng nước này có thể hành động thêm ở các lĩnh vực khác.
– Trung Quốc hồi tháng 5 thông báo áp thuế 80,5% với lúa mạch từ Australia vì lý do phá giá, “gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp nội địa”. Mức thuế này có hiệu lực từ ngày 19/5 và thời hạn lên tới 5 năm, gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9%.
– Australia là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc với tổng trị giá xuất khẩu lên tới 1,3 tỷ USD/năm. Quan chức Australia từng thừa nhận nước này không có nhiều thị trường thay thế ngoài Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh có thể chuyển sang nhiều nhà cung cấp khác như Pháp, Canada, Argentina và một số nước châu Âu. Các chuyên gia cho biết Bắc Kinh đã cân nhắc hạn chế nhập khẩu lúa mạch Australia từ năm 2018 trong bối cảnh lo ngại rằng Trung Quốc, nước chỉ sản xuất khoảng 20% lượng lúa mạch họ cần, phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu.
– Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc xấu đi đáng kể trong những tháng gần đây. Ít nhất 13 ngành của Australia đã phải chịu thuế hoặc một số hình thức gián đoạn, gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, trường đại học, rượu, lúa mì và len.
• Nội các Nhật Bản duyệt gói ngân sách bổ sung thứ ba trị giá 210 tỷ USD
– Ngày 15/12, Nội các Nhật Bản đã thông qua gói ngân sách bổ sung thứ 3 trị giá 21.840 tỷ yen (khoảng 210 tỷ USD) cho tài khóa 2020 nhằm hỗ trợ gói kích thích kinh tế mới nhất có mục đích đảm bảo nền kinh tế nước này duy trì đà phục hồi. Gói bổ sung ngân sách này được huy động qua hình thức phát hành trái phiếu mới trị giá 22.400 tỷ yen, sẽ góp phần bù đắp khoản thu ngân sách sụt giảm do chính sách cắt giảm thuế trong năm tài chính kéo dài đến hết tháng 3/2021.
– Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh giảm nguồn thu ngân sách dự kiến từ 63.510 tỷ yen còn 55.130 tỷ yen do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, tổng nợ phát hành trái phiếu mới của Nhật Bản trong tài khóa 2020 sẽ lên mức kỷ lục 112.000 tỷ yen, tăng hơn gấp 2 lần so với mức kỷ lục 51.950 tỷ yen của năm tài chính 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
– Khoản ngân sách bổ sung thứ 3 này sẽ làm tăng tổng chi của Nhật Bản trong tài khóa 2020 lên trên 175.000 tỷ yen, vượt tổng dự toán 3 gói ngân sách ban đầu 102.660 tỷ yen. Thực tế này làm dấy lên quan ngại “sức khỏe” tài chính của Nhật Bản rơi vào tình trạng xấu nhất trong nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới.
2️⃣ Tin tức vĩ mô Việt Nam
• Apple chính thức chuyển sản xuất iPad và Macbook sang Việt Nam
– Chiều ngày 16/12, Văn phòng Chính phủ phát thông báo công ty Foxconn đã chuyển dây chuyền sảng xuất máy tính bảng (iPad) và máy tính xách tay (Macbook) từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple từ ngày 26/11/2020. Foxconn đã thông báo khoản đầu tư mới 270 triệu USD vào Việt Nam nhằm xây dựng dây chuyền sản xuất iPad và Macbook tại Bắc Giang và sẽ đi vào hoạt động năm 2021.
– Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đặt tại Đài Loan tương tự như Foxconn cũng đang tìm cách dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đến Việt Nam, Mexico, Ấn Độ để phòng ngừa rủi ro địa chính trị. Tại Việt Nam đã có số lượng đáng kể Airpod được sản xuất trong thời gian vừa qua. Dự kiến đến năm 2021, thế hệ thứ 3 của Airpod cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
– Xu hướng dịch chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam được đánh giá sẽ giảm thiểu đáng kể tác động khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung trở nên tồi tệ, đồng thời duy trì sản lượng cho các doanh nghiệp.
• Xuất khẩu máy vi tính, dệt may tăng hàng trăm triệu USD trong 15 ngày cuối tháng 11
– Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã công bố số liệu thống kê sơ bộ giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2020 (từ ngày 16/11 đến ngày 30/11/2020). Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong giai đoạn này đạt 26,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với nửa đầu tháng 11. Kết quả này đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của các nước trong 11 tháng đạt 489,88 tỷ USD, tăng 3,6% (tương ứng tăng 17,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái
– Trong đó, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2020 đạt gần 13,4 tỷ USD, tăng 16% so với kỳ 1 tháng 11/2020. Một số mặt hàng ghi nhận tăng bao gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 366 triệu USD, tương ứng tăng 21,1%; hàng dệt may tăng 305 triệu USD, tương ứng tăng 31,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 185 triệu USD, tương ứng tăng 14,1%,…
– Nhìn chung, tính đến hết tháng 11 năm 2020, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 254,97 tỷ USD, tăng 5,5%, tương ứng tăng 13,23 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019. Đối với nhập khẩu, tổng trị giá hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2020 đạt 12,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 11/2020.
3️⃣ Tin tức tài sản đầu tư
• Vanguard làm nên lịch sử: Sở hữu quỹ đầu tư 1 nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới
– Theo Bloomberg, một quỹ đầu tư chứng khoán của Vanguard đã trở thành quỹ đầu tiên trong lĩnh vực này quản lý khối tài sản trị giá 1 nghìn tỷ USD. Đây là một dấu hiệu mới cho thấy xu hướng đầu tư dựa theo chỉ số đã nở rộ trong 3 thập kỷ vừa qua. Vanguard Total Stock Market Index Fund – bao gồm cả quỹ tương hỗ và ETF, quản lý số tài sản trị giá 1,04 nghìn tỷ USD tính đến ngày 30/11, theo dữ liệu của công ty.
– Trong khi đà tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ đang thúc đẩy sự tăng trưởng của quỹ này, thì sự thăng hoa cũng được hỗ trợ bởi chi phí đầu tư giảm. Đây là xu hướng được đặt ra bởi Vanguard – một nhà tiên phong trong hoạt động đầu tư thụ động với chi phí thấp. Vanguard Total Stock Market Index Fund được thành lập vào năm 1992, với quỹ ETF cùng tên được ra mắt vào năm 2001.
– Vanguard sử dụng cấu trúc khác thường khi ETF của họ xuất hiện như một hạng mục trong các quỹ tương hỗ. Vanguard Total Stock Market ETF là quỹ ETF thu hút dòng tiền mặt lớn nhất trong năm nay, với 30,8 tỷ USD vốn ròng. Hiện tại, Vanguard kiểm soát 28% thị phần trong ngành ETF trị giá 5,3 nghìn tỷ USD của Mỹ.