1️⃣ Tin vĩ mô thế giới
• Mỹ kết luận điều tra cáo buộc thao túng tiền tệ: ‘Sẽ chưa có hành động gì với Việt Nam
– Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 15/1 công bố kết quả điều tra theo Mục 301 về chính sách định giá tiền tệ của Việt Nam, theo đó vẫn cho rằng các hành động, chính sách của Việt Nam (bao gồm can thiệp thị trường ngoại hối quá mức và các động thái khác) là “bất hợp lý và tạo gánh nặng hoặc cản trở thương mại Mỹ”. USTR đã tham vấn Bộ Tài chính Mỹ trước khi đưa ra những kết quả cho cuộc điều tra được bắt đầu hồi tháng 10/2020.
– Tuy nhiên, USTR cũng khẳng định sẽ “chưa có hành động cụ thể nào ở thời điểm này” liên quan đến Mục 301 nhưng sẽ tiếp tục đánh giá các lựa chọn sẵn có. “Tôi hy vọng Mỹ và Việt Nam có thể tìm ra hướng đi giải quyết các quan ngại của chúng tôi”, Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer nói.
– Một quốc gia bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ nếu thỏa mãn các tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ. Xét cả về tiêu chí nêu trên, cũng như thực tế kinh doanh và điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhiều năm qua, có thể khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ, theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ.
• Tấn công Australia trên mặt trận thương mại, Trung Quốc lâm cảnh “gậy ông đập lưng ông”
– Nỗ lực của Trung Quốc nhằm trừng phạt Australia vì một loạt tranh chấp, bao gồm cả về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, tiếp tục tạo ra những kết quả trái ngược và có khả năng khiến giá hàng hóa thiết yếu cao hơn trong thời gian dài. Vì lệnh cấm nhập khẩu than nhiệt từ Australia – thứ được sử dụng để sản xuất điện – đã khiến các tàu chở than của Australia bị bỏ lại tại các cảng của Trung Quốc trong khi giá điện ở nhiều vùng của Trung Quốc tăng cao trong thời điểm bắt đầu mùa đông lạnh giá.
– Một số công nhân khai thác than của Australia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm, nhưng chính người tiêu dùng ở Trung Quốc cũng buộc phải trả nhiều tiền điện hơn. Những người mua khí đốt của Trung Quốc đang phải tranh giành nguồn cung từ Australia với các công ty điện lực của Nhật Bản và Hàn Quốc. Australia chính là một trong những nước hưởng lợi lớn vì đây là nước xuất khẩu LNG lớn thứ hai thế giới.
– Một trong những thước đo tốt nhất về cách mà tranh chấp giữa Trung Quốc và Australia mang màu sắc chính trị hơn là thương mại nằm ở những con số: thống kê cho thấy thấy xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc chỉ giảm nhẹ (2%) trong 11 tháng tính đến cuối tháng 11; và nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Australia tăng 5%.
•Trung Quốc bất ngờ rút bớt tiền mặt khỏi hệ thống tài chính
– Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) chỉ cấp 500 tỷ nhân dân tệ (77 tỷ USD) các khoản vay trung hạn cho các bên cho vay, đồng nghĩa rút ròng 40,5 tỷ nhân dân tệ cho tháng 1. Trong khi đó, giới phân tích dự báo PBOC bơm ròng 230 tỷ nhân dân tệ. Lãi suất vẫn giữ ở 2,95%, theo thông báo từ PBOC.
– Động thái trên cho thấy chính sách nới lỏng tiền tệ của PBOC trong hai tháng qua có thể sắp kết thúc. Chính sách này giúp phục hồi tâm lý trên thị trường tín dụng và trái phiếu chính phủ Trung Quốc nhưng lại kéo theo nhiều rủi ro, gia tăng đòn bẩy nợ trong hệ thống tài chính.
– “Đợt bơm tiền lần này ít hơn quan điểm chung thị trường”, Xing Zhaopeng, chuyên gia kinh tế tại Australia & Zealand Banking Group. “Có nghĩa kỷ nguyên cung tiền mặt siêu nới lỏng sẽ kết thúc và các điều kiện thanh khoản không còn thuận lợi như những năm trước”.
-Thị trường trái phiếu và tiền tệ Trung Quốc vẫn bình lặng bất chấp động thái bất ngờ của PBOC. Nguyên nhân là hệ thống tài chính vẫn còn nhiều tiền mặt. Lãi suất vay liên ngân hàng trong tháng 12 xuống dưới lãi suất chính sách của PBOC.
2️⃣ Tin tức Việt Nam
• Sửa Thông tư 01, lợi nhuận ngân hàng năm 2021 có thể chỉ tăng 10%
– Chia sẻ tại hội thảo “Triển vọng kinh tế tài chính năm 2021-2025: Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán” diễn ra mới đây, TS. Cấn Văn Lực đánh giá năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã tăng trưởng khá tốt với mức tăng lợi nhuận khoảng 10%. Tuy vậy, mức tăng này mới chỉ bằng khoảng 1/2, 1/3 các năm trước – thường ghi nhận tăng trưởng khoảng 20-25%/năm.
– Năm 2021, TS. Cấn Văn Lực cho rằng tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chưa chắc sẽ “mỹ mãn” nếu như thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN được ban hành. Vị chuyên gia này cho biết Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang thống nhất trình dự thảo sửa đổi Thông tư 01 theo hướng: sẽ tiếp tục cho phép giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp tiếp tục được vay nợ với lãi suất bình thường như trước đây, tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng rủi ro căn cứ vào bản chất của các khoản nợ đó.
– Trên tinh thần sửa đổi Thông tư 01 theo hướng như vậy, TS. Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2021 “may ra sẽ được như năm 2020, tức là tăng khoảng 10%”. Theo tìm hiểu, Ngân hàng Nhà nước hiện đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều về Thông tư 01/2020. Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
• Cà Mau khởi công dự án điện gió 10.000 tỷ đồng
– Ngày 16/1, UBND tỉnh Cà Mau và Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng WTO tổ chức Lễ khởi công Nhà máy điện gió Cà Mau 1A, 1B, 1C, 1D tại ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi.
– Chủ đầu tư dự án là Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng (WTO), với vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, giai đoạn 1 có công suất 350 MW. Theo dự kiến, ở giai đoạn 1, WTO sẽ xây dựng 83 tuabin trên biển thuộc xã Tân Tiến, xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi) và xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn), với công suất thiết kế 4,5 MW/tuabin, tổng công suất phát điện của dự án đạt 1,1 triệu MWh/năm. Đồng thời, dự kiến thời gian hoàn thành giai đoạn 1 trong quý 4/2021. Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng WTO và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng mua bán điện cho dự án này.
– Khi đi vào vận hành chính thức, Nhà máy điện gió Cà Mau 1 sẽ góp phần cân bằng nguồn điện cho không chỉ cho Cà Mau mà cả vùng ĐBSCL, bảo vệ môi trường, giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch, kích thích đầu tư các dự án công nghiệp khác.
• Việt Nam lần đầu vượt Đức, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc
– Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ).
-Bất chấp những thách thức trong năm 2020 đối vối kinh tế, thương mại khu vực và thế giới nói chung, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và ngoại thương mỗi bên.
– Số liệu thống kê sơ bộ của Hải quan Việt Nam cho biết, năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt 133,09 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tới Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD, tăng 17.9%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 84,1 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc có giá trị 35,2 tỷ USD, tăng 3,74% so với năm 2019.
– Đáng chú ý, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Theo đó, động lực tăng trưởng chính của thương mại Việt Nam – Trung Quốc năm 2020 chủ yếu đến từ nhóm hàng chế biến chế tạo (đạt 37,07 tỷ USD, tăng 20,06%) và vật liệu xây dựng (đạt 3,12 tỷ USD, tăng 104,09%).
– Ngoài ra, theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2020, tăng 2 bậc so với năm 2019. Việt Nam cũng đang là thị trường cung ứng hàng hóa lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới.