Điểm tin thị trường tài chính chứng khoán ngày 31/12/2020

1️ Tin tức vĩ mô quốc tế
Lãnh đạo EU ký thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh
– Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trên vai trò là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU 6 tháng cuối năm 2020, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh 27 nước EU đã chính thức phê chuẩn việc khởi động thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh từ ngày 1/1/2021 tới.

– Việc các nước EU thông qua thỏa thuận là thủ tục cần thiết để thỏa thuận thương mại có thể có hiệu lực tạm thời từ đầu năm tới trước khi văn kiện dài 1.250 trang dự kiến được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào cuối tháng 2/2021 để có hiệu lực đầy đủ. Sự kiện trên được diễn ra sau khi EU và Anh đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit tuần trước. Thỏa thuận này quy định quan hệ kinh tế giữa EU và Anh sau giai đoạn chuyển tiếp và điểm quan trọng nhất của thỏa thuận là giúp tránh thuế quan và đảm bảo cho thương mại song phương vận hành một cách tốt nhất.

– Giai đoạn chuyển tiếp Brexit sẽ kết thúc vào lúc 23h00 ngày 31/12 tới. Kể từ sau thời điểm này, hàng rào kiểm soát biên giới và hải quan cứng sẽ được dựng lên giữa Anh và EU. Hàng hóa qua lại giữa hai bên sẽ phải đối mặt với việc kiểm tra, kiểm soát và những thủ tục hải quan nhất định.

• Bất chấp sức ép từ Mỹ, Đức quyết bảo vệ dự án Dòng chảy phương Bắc 2

– Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28/12, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố Đức không có ý định thay đổi lập trường và sẽ tiếp tục ủng hộ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ngay cả trước sức ép của chính quyền Mỹ.

– Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD. Việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia, trong đó Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực. Tuy nhiên. sau gần một năm trì hoãn, ngày 11/12, việc lắp đặt những km cuối cùng trong hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 được tiếp tục triển khai.

– Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức nhấn mạnh, dù ông Joe Biden lên thay thế Tổng thống Donald Trump và có những động thái có thể sẽ cứng rắn hơn thì Đức sẽ vẫn không thay đổi lập trường của mình đối với Dòng chảy phương Bắc 2. Ở động thái liên quan mới nhất, công việc lắp đặt đoạn đường ống thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trong lãnh hải Đức đã được hoàn tất trong ngày 28/12, sau một năm tạm ngừng do vấp phải các lệnh trừng phạt của Mỹ.

2️ Tin tức vĩ mô Việt Nam

• Lãnh đạo HoSE: Có thể chính thức áp dụng lô giao dịch tối thiểu 100 cổ phiếu từ ngày 4/1/2021

– Theo kế hoạch, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) sẽ triển khai áp dụng đơn vị giao dịch lô chẵn là 100 đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền có đảm bảo; thay cho quy định lô chẵn là 10 chứng khoán hiện nay.

– Lãnh đạo HoSE cho hay, theo kế hoạch báo cáo với cơ quan quản lý, HoSE sẽ chính thức áp dụng lệnh lô chẵn 100 vào ngày 18/1/2021. Tuy nhiên, qua việc triển khai thử nghiệm và phối hợp cùng các công ty chứng khoán, dự kiến việc áp dụng chính thức lệnh 100 sẽ sớm hơn kế hoạch đưa ra trước đó. Lãnh đạo HoSE nhấn mạnh nếu tình hình thuận lợi, nhiều khả năng HoSE sẽ áp dụng lệnh lô 100 trước 2 tuần, cụ thể là ngày 4/1/2021.

– Lãnh đạo HoSE cho biết quá trình thử nghiệm đã diễn ra thuận lợi, sở và các công ty chứng khoán đồng thuận cao, cùng mong muốn đẩy nhanh tiến độ áp dụng chính thức.

Hiệp định UKFTA chính thức có hiệu lực từ 23h ngày 31/12/2020

– Hiệp định UKVFTA là bước tiếp nối quan hệ thương mại Việt – Anh khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) không còn áp dụng với Anh sau ngày 31/12/2020 vì Brexit. Với các cam kết cơ bản dựa trên EVFTA nhưng được điều chỉnh phù hợp hơn với hai nước, UKVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ 23h ngày 31/12/2020.

– Bộ Công Thương cho biết, thông qua UKVFTA, Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới. Mặt khác, Việt Nam có thêm cơ hội hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút khách du lịch Anh sau khi Covid-19 kết thúc. Hiệp định cũng tạo thông điệp tích cực trong quan hệ chung Việt Nam – Anh nhất là khi hai bên mới ra Tuyên bố chung về tầm nhìn hợp tác song phương nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

• Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đặt mục tiêu 60-62 tỷ USD vào năm 2030.

– Bộ NN-PTNT vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030”. Tờ trình của Bộ nêu rõ, trên thị trường thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam còn tồn tại một số điểm hạn chế. Đơn cử, xuất khẩu chủ yếu tăng về lượng, tỷ trọng hàng hóa chế biến sâu và giá trị gia tăng chưa cao; kim ngạch xuất khẩu chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng chính tại một số thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản,… đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Các nước hiện nay đều tập trung tăng cường đầu tư cho sản xuất lương thực trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Bệnh cạnh đó, khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường cắt giảm thuế quan, nhiều nước nhập khẩu sẽ tăng cường bảo hộ bằng các biện pháp kỹ thuật; nông sản Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt hơn.

– Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2025 giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50-51 tỷ USD. Khoảng 20% sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 50% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; khoảng 50% giá trị xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến và chế biến sâu. Đến năm 2030, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 60-62 tỷ USD. Trong đó, khoảng 40% sản phẩm nông sản xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 60% giá trị xuất khẩu các sản phẩm qua chế biến và chế biến sâu.