1️⃣ Tin tức vĩ mô thế giới
• Nợ toàn cầu sẽ lên 200,000 tỷ USD vào năm nay
– Báo cáo mới nhất của S&P Global cho rằng khối nợ toàn cầu sẽ chạm mốc 200.000 tỷ USD, tương đương 265% GDP thế giới, vào cuối năm nay. Dù vậy, hãng này không dự báo khủng hoảng sớm xảy ra.
– S&P Global cho biết mức nợ trên GDP tăng nhanh do cả hai yếu tố – GDP giảm vì Covid-19 và các chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình phải tăng vay để đối phó với ảnh hưởng của đại dịch. “Tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã có xu hướng tăng nhiều năm qua. Đại dịch chỉ đẩy nhanh quá trình đó mà thôi”, báo cáo nhận định.
– Dù vậy, bất chấp việc làn sóng vỡ nợ được dự báo xuất hiện trong năm tới, S&P Global không cho rằng một cuộc khủng hoảng lớn sẽ xảy ra tại giai đoạn này. “Nợ trên GDP tăng tới 14% năm nay không thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ trong ngắn hạn. Miễn là các nền kinh tế đang hồi phục, vaccine được phân phối rộng rãi, lãi suất vẫn duy trì ở mức rất thấp và hoạt động cho vay chậm lại”, báo cáo viết.
– Hãng dự đoán khi kinh tế toàn cầu quay về quỹ đạo cũ sau đại dịch, nợ trên GDP sẽ giảm về 256% năm 2023. “Chúng tôi cho rằng tăng trưởng nợ của các doanh nghiệp, chính phủ và hộ gia đình sẽ giảm, do việc này thường xảy ra khi suy thoái qua đi”, S&P Global kết luận.
• Uniqlo đột ngột tuyên bố sẽ đóng cửa hàng lớn thứ 2 thế giới ở Hàn Quốc
– Gã khổng lồ thời trang Nhật Bản là Uniqlo cho biết họ sẽ đóng cửa hàng lớn nhất của mình ở Seoul nằm tại quận mua sắm sầm uất Myeong-dong ở trong bối cảnh dịch Covid-19 và mối quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc khiến doanh số sụt giảm mạnh. Cụ thể theo thông tin đăng tải trên website của Uniqlo vào ngày chủ nhật, cửa hàng tại Myeong-dong sẽ chỉ hoạt động cho tới ngày 31/1/2021.
– Cửa hàng Myeong-dong 4 tầng trước đó là cửa hàng lớn thứ 2 thế giới của Uniqlo chỉ sau cửa hàng tại Đại lộ số 5 New York. Cửa hàng này đã ghi nhận kỷ lục đạt doanh số 2 tỷ won trong một ngày khi mở cửa vào tháng 11/2011.
– Những hạn chế thương mại phía Nhật Bản áp dụng lên Hàn Quốc vào tháng 6/2019 đã tạo ra làn sóng tẩy chay mạnh mẽ với những sản phẩm Nhật Bản. Việc tẩy chay càng thổi bùng lên sau khi một lãnh đạo tại trụ sở chính của Uniqlo tuyên bố vào tháng sau đó rằng những động thái như vậy sẽ không kéo dài được mãi. Loạt sự kiện kể trên đã gây thiệt hại lớn cho doanh số bán hàng của Uniqlo, khiến nhà bán lẻ này buộc phải đóng cửa hàng. Uniqlo đã đóng 26 cửa hàng kể từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay.
– Đại dịch Covid-19 đã khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn với Uniqlo khi vào năm nay càng có ít người mua hơn tới cửa hàng, đặc biệt là nhóm khách du lịch. Ngoài cửa hàng ở Myeong-dong, Uniqlo lên kế hoạch đóng thêm 8 cửa hàng nữa cho tới cuối năm nay, Uniqlo hiện điều hành 164 cửa hàng ở Hàn Quốc.
2️⃣ Tin tức vĩ mô Việt Nam
• Số doanh nghiệp phá sản tăng mạnh
– TP.HCM với hơn 13.000 doanh nghiệp (DN) tạm ngưng kinh doanh trong 11 tháng, tăng 41,3% so cùng kỳ năm ngoái. Song song đó, số DN đã hoàn tất các thủ tục giải thể trong 11 tháng, theo thống kê của Sở KH-ĐT TP.HCM lên gần 5.200 DN, tăng gần 16% so cùng kỳ năm 2019.
– Còn theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng cả nước có gần 93.500 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có hơn 44.400 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 33.600 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hơn 15.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có 8.500 DN rút lui khỏi thị trường. Như vậy, so với cả nước, riêng TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, số DN tạm ngưng kinh doanh, phá sản tăng kỷ lục
– Ông Chu Tiến Dũng (Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM) nói thẳng rằng “sức khỏe” của DN đến nay “đuối” lắm rồi. Các tiềm năng đều có giới hạn nên ngay cả với DN lớn, sức chống đỡ cũng đã cạn kiệt. Bức tranh toàn cảnh của DN TP.HCM được ông Dũng vẽ ra khá ảm đạm. Đó là sức khỏe vốn mong manh, nay bị “bệnh” lâu nay do ảnh hưởng quá lớn từ Covid-19 đã gục hẳn.
– Bên cạnh đó, các chính sách tiếp sức từ Chính phủ đã không đến được đại đa số DN. Hơn 90% DN cho biết không với tới được gói hỗ trợ về tài chính trong Covid-19. Mới đây trong bối cảnh khó khăn này, Nghị định 126 quy định DN tạm nộp tiền thuế theo 3 quý phải tối thiểu 75% và được áp dụng cho năm quyết toán thuế 2021 tiếp tục đẩy DN vào đường cùng. Tuy áp dụng cho quyết toán thuế năm sau, nhưng quy định đưa ra tại thời điểm quá khó khăn này gây tâm lý hoang mang lo lắng không cần thiết cho DN.
• Đà Nẵng lần đầu tiên trong nhiều năm tăng trưởng âm 9.77%
– Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh năm 2020, lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế của thành phố âm 9,77%, thu ngân sách chỉ đạt 70%. Ông Trung khẳng định, dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lụt trong năm 2020 đã tác động rất lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà thành phố đã đặt ra. Ngoài ra, một số chủ trương lớn của thành phố chưa được triển khai hiệu quả. Về việc gỡ vướng cho doanh nghiệp, mặc dù có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, đến thời điểm hiện tại, giải ngân đầu tư công dù đã nỗ lực song còn khá khiêm tốn so với kế hoạch.
– Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng năm 2021. Kịch bản đầu tiên là ngay từ đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi nhanh, tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt 8,5-9%, phấn đấu tổng giá trị tăng thêm của các khu vực: dịch vụ, công nghiệp và xây dựng tương đương với kết quả năm 2019. Tốc độ tăng của dịch vụ là 7-8%; công nghiệp và xây dựng là 8-9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3-4%.
– Kịch bản thứ hai là trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi chậm và bắt đầu tăng tốc từ quý 3/2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt trên khoảng 5-6%, tổng giá trị tăng thêm của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt thấp hơn năm 2019 và cao hơn năm 2018.
– Kịch bản cuối cùng: năm 2021, kinh tế thành phố vẫn phục hồi chậm, chỉ có thể tăng tốc từ quý 4 năm 2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt khoảng 3-3,5%, tổng giá trị tăng thêm của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt xấp xỉ năm 2018. Tốc độ tăng của dịch vụ là 2-3%; công nghiệp và xây dựng là 5-6%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 3-4%…
• 61% doanh nghiệp Việt đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
– Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh việc thúc đẩy sản xuất thông minh là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 . Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh, nằm trong Chương trình 712 nâng cao năng suất chất lượng của Chính phủ do Bộ KH&CN làm đầu mối triển khai.
– Khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, có tới 61% doanh nghiệp Việt còn đang đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn về khả năng đầu tư thiết bị, công nghệ do thiếu vốn. Một số doanh nghiệp có khả năng đầu tư thì lại hạn chế về thông tin và nguồn nhân lực vận hành hệ thống sản xuất thông minh.
– Theo các chuyên gia, với Việt Nam, sản xuất thông minh là hướng đi khá mới mẻ và cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy để tiếp cận công nghệ mới trong quản lý, sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
3️⃣ Tin tức tài sản đầu tư
• Trung Quốc thí điểm sử dụng tiền ảo riêng trên nền tảng trực tuyến
– Hãng thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc vừa trở thành sàn trực tuyến đầu tiên chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo riêng của nước này – có tên gọi đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Thông báo này được đưa ra trong một cuộc thử nghiệm quy mô lớn của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số tại thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
– Theo một đăng tải trên mạng xã hội của JD Digits, công ty con công nghệ tài chính của JD.com, công ty này sẽ quay xổ số với tổng giá trị giải thưởng là 20 triệu Nhân dân tệ (3 triệu USD) và trả thưởng dưới dạng “phong bao lì xì” qua một ứng dụng, trong đó mỗi phong bao chứa khoảng 200 Nhân dân tệ kỹ thuật số. Hàng trăm nghìn phong bao như thế này sẽ được phân phát tới người dùng và họ có thể dùng để mua sắm trên nền tảng của JD.com.
– Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phát hành và kiểm soát và có gọi là đồng tiền thanh toán điện tử kỹ thuật số (DCEP). Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều thông tin về dự án này. Khác với các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin hay thậm chí đồng Libra do Facebook phát triển, tiền kỹ thuật số của các quốc gia do ngân hàng trung ương nước đó phát hành và kiểm soát. Trong khi đó, đồng Bitcoin, dù liên tiếp lập nhiều kỷ lục về giá – lại không được phát hành hay kiểm soát bởi một thực thể nào.