Cổ phiếu BMP: BÁN@54,100 Kết quả kinh doanh dự kiến Q3/2021 giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và nguồn cầu giảm; từ tháng 07 tới tháng 09/2021 Công ty chỉ duy trì khoảng 20% – 30% công suất hoạt động. Triển vọng kinh doanh trong ngắn hạn chưa khả quan do mức độ cạnh trạnh cao trong ngành và giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn duy trì ở mức cao.
Cổ phiếu MSN: CHỜ MUA Công ty TNHH The Sherpa, công ty MSN sở hữu 99.9%, đã mua lại 70% của CTCP Mobicast với giá trị tiền mặt là 295.5 tỷ đồng. Mobicast sở hữu thương hiệu mạng Reddie cung cấp dịch vụ di động nhưng không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông. Đây là chiến lược để MSN số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life” và cung cấp trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ từ online đến offline trên nền tảng hiện hữu của Masan Consumer, Vincommerce, Phuc Long và Techcombank. Như vậy MSN hướng tới phục vụ 80% chi tiêu của người tiêu dùng bao gồm nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính và dịch vụ số
Cổ phiếu TNG: CHỜ MUA Lũy kế 8 tháng 2021, TNG đạt doanh thu 3,544 tỷ đồng (+16%YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 142 tỷ đồng (+18%YoY) nhờ hưởng lợi từ sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu. Nếu dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát trong Q4/2021, dự án cụm công nghiệp Sơn Cẩm có thể có tiến triển, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng mạnh lợi nhuận năm sau. Kể từ khuyến nghị MUA tại mức giá 21,100đ/cp (13/05/2021), giá cổ phiếu đã tăng 40% tương ứng với P/E forward 10.6x cho năm 2021. Mức định giá này chưa tính đến lợi nhuận từ bất động sản.
Cổ phiếu DGC: CHỜ BÁN Triển vọng dài hạn tương đối khả quan nhờ giá Photpho vàng trên thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao, kèm theo việc tự chủ hơn nguồn nguyên vật liệu nhờ đưa vào khai thác mỏ Apatit tại Khai trường 25. Ngoài ra, dự án bất động sản tại Đức Giang cũng sẽ là động lực hỗ trợ kết quả kinh doanh trong trung – dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cổ phiếu đã có nhịp tăng mạnh ~ 100% kể từ khuyến nghị gần nhất của chúng tôi vào cuối tháng 07/2021, nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn vùng giá hợp lý để hạ tỷ trọng.
Cổ phiếu HT1: CHỜ BÁN Công ty có thể được hưởng lợi nhờ chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp ở khu vực phía Nam gây khó khăn cho các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, công suất nhà máy cũng đã lên tới 95% nên tiềm năng tăng trưởng là không cao. Nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời dần cổ phiếu.
Cổ phiếu LIX: CHỜ BÁN Dự kiến kết quả kinh doanh Q3/2021 kém khả quan, doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế Q3 chỉ ở mức 30 tỷ đồng, giảm 50% yoy do (1) ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 lên hoạt động sản xuất và bán hàng trên kênh chợ truyền thống và (2) áp lực gia tăng chi phí nguyên vật liệu làm giảm hiệu quả hoạt động. Cổ phiếu có xu hướng tích lũy ở vùng giá hiện tại.
Cổ phiếu NAF: CHỜ BÁN Kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc giãn cách xã hội kéo dài, cùng với đó là giá cước vận tải duy trì ở mức cao. Định giá hiện tại đã ở mức cao (P/E ~28x so với trung bình ngành ~9.3x), nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn vùng giá thích hợp để giảm tỷ trọng.
Cổ phiếu SGR: CHỜ BÁN Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 công ty đạt doanh thu thuần 30 tỷ (-19% YoY) và ghi nhận lỗ sau thuế thuộc cổ đông Công ty mẹ 3.7 tỷ so với mức lãi 102 tỷ cùng kỳ. Công ty mới đây đã điều chỉnh giảm 82% chỉ tiêu lợi nhuận năm xuống còn 38 tỷ đồng. Tiến độ triển khai các dự án chậm, quy mô hoạt động, quỹ đất tương đối nhỏ so với các doanh nghiệp trong ngành. Cổ phiếu có tính thanh khoản thấp. Diễn biến phức tạp kéo dài của dịch bệnh Covid 19 tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ mở bán các dự án mới của công ty.