Nhận định Cổ phiếu ADG: CHỜ MUA Hoạt động kinh doanh dự kiến cải thiện trong Q4/2021 sau kết quả Q3/2021 bị ảnh hưởng mạnh bởi tình hình giãn cách. Là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tiếp thị số (digital marketing) với các đối tác lớn Google và Facebook, ADG có thể hưởng lợi trong xu hướng tăng trưởng mạnh của ngành, tuy nhiên vấn đề quản lý chi phí không hiệu quả trong khi doanh thu tăng trưởng không ổn định, ảnh hưởng đến kỳ vọng doanh nghiệp trong ngắn hạn.
Nhận định Cổ phiếu ANV: CHỜ MUA Giá cước vận tải biển trên nhiều tuyến quốc tế đã hạ nhiệt từ giữa tháng 11/2021 đến nay, góp phần vào sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu cá tra. Theo cập nhật từ doanh nghiệp, trong T1/2022, ANV dự kiến xuất khẩu 8,000 tấn thành phẩm cá tra đi hơn 100 quốc gia với giá trị khoảng 20 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021.
DVP: CHỜ MUA Kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV/2021 khả quan khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, cùng với đó là hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trong những tháng cuối năm. Doanh nghiệp có nền tảng tài chính lành mạnh, không vay nợ. Tỷ lệ cổ tức tiền mặt ổn định ở mức tốt (~7%) và có tiềm năng gia tăng trong tương lai với nguồn tiền mặt dồi dào. Lưu ý: Cổ phiếu ít thanh khoản
Nhận định Cổ phiếu DXG: CHỜ MUA Công ty vừa thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ 200 tỷ đồng đảm bảo bằng cổ phiếu DXS. DXG mới đây cũng đã mua thành công 2 dự án ở Bình Dương với quy mô 14.200 căn hộ. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phục hồi mạnh mẽ, quỹ đất lớn và lượng tiền mặt lớn từ các đợt huy động vốn sẽ tạo điều kiện cho DXG tăng trưởng trong dài hạn.
Nhận định Cổ phiếu FMC: CHỜ MUA Ước tính doanh thu và LNTT 2021 đạt mức ~ 4,950 tỷ đ và ~280 tỷ đ, tương ứng với tăng trưởng 12% và 18% yoy. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ thời điểm thành lập của doanh nghiệp. Vừa qua, Công ty đã được nhận thêm 52 ha nuôi tôm (+14% so với diện tích hiện hữu) từ UBND tỉnh Sóc Trăng – là động lực giúp doanh nghiệp gia tăng mức độ tự chủ về nguồn nguyên vật liệu đầu vào và tăng trưởng trong trung-dài hạn.
Nhận định Cổ phiếu GVR: CHỜ MUA LNST cổ đông công ty mẹ năm 2021 ước tính đạt 3,454 tỷ đồng (-8.4% YoY) do giá bán cao su đã phục hồi từ Q3/2021 tuy nhiên vẫn chưa được như kỳ vọng. Triển vọng tăng trưởng tích cực trong dài hạn đến từ: 1) mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp kỹ thuật cao, sử dụng giống có năng suất tốt; 2) phát triển diện tích đất thương phẩm KCN.
Nhận định Cổ phiếu SJD: CHỜ MUA Tình hình thủy văn tiếp tục diễn biến thuận lợi trong quý 4/2021, sản lượng điện sản xuất của SJD tăng mạnh 65% so với cùng kỳ, đạt 157 triệu kWh, kỳ vọng giúp tình hình kinh doanh công ty tăng trưởng tốt trong kỳ. Tuy nhiên, dự báo hiện tượng La Nina sẽ kết thúc nửa đầu năm 2022 và chuyển qua pha trung tính có thể khiến lượng mưa về các hồ thủy điện giảm sút, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
Nhận định Cổ phiếu TCL: CHỜ MUA Triển vọng kinh doanh trong Q4/2021 dự kiến tích cực nhờ giá cước vận tải duy trì ở mức cao và hoạt động thông thương xuất khẩu được bình thường hóa sau đại dịch Covid-19. Tình hình tài chính lành mạnh với tỷ lệ nợ vay thấp 0.1x và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dồi dào. Lưu ý: Cổ phiếu có thanh khoản thấp.
Nhận định Cổ phiếu TTF: CHỜ MUA Công ty đã phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ thu về ~595 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu để chuyển đổi khoản nợ cũ ~ 405 tỷ đồng. Nhờ đó công ty không còn bị âm vốn chủ sở hữu. Dòng tiền thu được dùng để tất toán toàn bộ nợ vay quá hạn tại ngân hàng Đông Á, giúp hoạt động tín dụng của TTF trở lại bình thường. Tình hình kinh doanh dự kiến sẽ cải thiện đáng kể từ Q4/2021 khi công ty tiết giảm được chi phí lãi vay và hoạt động xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ tăng trưởng tốt.
Nhận định Cổ phiếu TCM: CHỜ BÁN Tháng 11/2021, doanh thu của công ty đạt ~290 tỷ đồng (+1% yoy), lợi nhuận sau thuế ~3 tỷ đồng (-87% yoy), chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu đầu vào gia tăng. Tiềm năng trong dài hạn khả quan với kế hoạch đưa nhà máy số 2 tại Vĩnh Long vào hoạt động trong khoảng cuối Q1 – đầu Q2/2022. Tuy nhiên, định giá hiện tại không thực sự hấp dẫn với P/E ~24.3x so với trung bình ngành ~9.7x, nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn vùng giá thích hợp để giảm tỷ trọng.
Nhận định Cổ phiếu VDS: CHỜ BÁN Kết quả kinh doanh Q4/2021 có thể vẫn khả quan nhờ thanh khoản thị trường giữ ở mức cao. Tuy nhiên, mức định giá P/B 2.7x đã không còn hấp dẫn với một công ty chứng khoán quy mô nhỏ. Nhà đầu tư nên theo dõi thêm diễn biến thị trường để cân nhắc thời điểm chốt lời cho phù hợp.
Nhận định Cổ phiếu VPH: CHỜ BÁN Lợi nhuận Q4/2021 kỳ vọng sẽ được cải thiện do VPH đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng 55% cổ phần Công ty con là CTCP TMDV An Hưng cho đối tác Công ty TNHH Lotte Land. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng thấp khi hoạt động kinh doanh cốt lõi bất động sản vướng mắc nhiều vấn đề pháp lý. Đồng thời các dự án có dấu hiệu tồn đọng khi sản phẩm của VPH có mức tiêu thụ chậm.